TFS TRONG TÔI..

NSƯT Bùi Vi Nghi

Ngày mai đây, ngày 18 tháng 10 năm 2021, TFS của tôi sẽ tròn 30 tuổi ( 18/10/1991- 18/10/2021). Chỉ nghĩ đến điều này thôi bản thân tôi không khỏi nghẹn ngào, xúc động. Ba mươi năm rồi ư? Thời gian trôi nhanh thật...

Tôi nhớ lại buổi sáng hôm nào, tháng 4 của năm 1993, khi tôi lần đầu bước chân vào hãng ( lúc đó còn là xưởng phim truyền hình), một cảm giác choáng ngợp và hạnh phúc ập vào trong tôi- một cảm giác mà khó có từ ngữ nào có thể diễn tả hết được. Nói đúng hơn, đó là một giấc mơ mà ngay cả lúc mơ mộng nhất- khi ngồi ghế nhà trường Sân khấu Điện ảnh tôi cũng chưa từng dám chạm đến..

Chừng ấy năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những gương mặt cô chú, anh chị của TFS ngày nào. Tôi nhớ và mang ơn nhất là chú Bẩy ( Anh hùng lao động- NSND Phạm Khắc), người đã tin tưởng và chấp thuận cho tôi vào làm việc tại cơ quan. Tôi nhớ các đàn anh trong nghề như chú Quốc ( NSƯT Đồng Anh Quốc), chú Đỗ Bèn, anh Mỹ Hà ( NSƯT Trần Mỹ Hà), anh Phúc ( NSƯT Trương Minh Phúc), anh Sinh ( NSƯT Cổ Trường Sinh), anh Quốc Hưng, chị Thu Hương, chị Phương Liên..Và các anh Nguyễn Hoàng, anh Lý Quang Trung- những nhân vật kỳ cựu của đài mới gia nhập TFS từ các phòng ban khác sau khi "trở về" từ khóa I trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh. Tôi học chung khóa nhưng khác ngành với các anh nên buổi đầu làm quen với TFS của tôi cũng bớt phần lạ lẫm.

Tôi nhớ rõ đội ngũ TFS thời điểm ấy. Ngoài chú Bẩy Khắc- nhà sáng lập TFS, người trực tiếp chỉ đạo và xây dựng lực lượng, còn có anh Nguyễn Hồng và anh Hồng Quân tham gia quản lý, chị Việt Nga là kế toán trưởng.

Đội ngũ sáng tác của TFS ngày ấy bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau: Biên tập, đạo diễn, quay phim, dựng phim, kỹ thuật âm thanh. Nói chung mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi phong cách và cũng chừng ấy những cá tính; Với những cách biệt nhất định về tuổi tác và nếp nghĩ song lại rất háo hức để cùng nhau tụ về một mái nhà chung TFS.

Tôi thuộc hàng trẻ nhất lúc đó ( "già hơn" Hồng Thúy kế toán một chút). Bản thân dù đã tốt nghiệp đại học SKĐA hẳn hoi nhưng khi tiếp cận với công việc tại TFS tôi vẫn là một trang giấy trắng về nghề theo nghĩa đúng nhất của từ này. Nhờ có TFS và ở tại TFS tôi đã được Thầy Bẩy Khắc và các bậc đàn anh đi trước tận tình chỉ bảo và động viên. Đến lượt mình, tôi lại tiếp tục chỉ dẫn cho các bạn quay phim kế tiếp, như Quang Tuệ ( NSƯT Đào Quang Tuệ), Huỳnh Lâm. TFS của tôi là thế đó, các thế hệ đi trước luôn dìu dắt cho thế hệ đàn em vươn lên trong nghề nghiệp. Đó là một truyền thống tốt đẹp của TFS mà bản thân tôi và các thế hệ sau này luôn cảm nhận và tri ân tự đáy lòng.

Tôi nhớ đến chuyến công tác đầu tiên được phân công. Đó là lần tham gia bộ phim " Giữa ngàn các lũ", một tác phẩm đặt hàng của Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Lúc đó chú Bảy đã hết sức tin tưởng để giao phó công tác cho một ê kíp "Mới ra ràng" chúng tôi. Bao gồm anh Hoàng ( NSƯT Nguyễn Hoàng), anh Trung ( NSƯT Lý Quang Trung, hiện là giám đốc TFS). Quay phim là anh Dũng (NSƯT Đào Anh Dũng) còn phụ quay là tôi ( NSƯT Bùi Vi Nghi). Thời ấy nhóm của chúng tôi được đánh giá là " Ê kíp trẻ" (mặc dù hổng còn trẻ gì cho lắm) nhưng hoàn toàn được xem là "mới" theo nghĩa đây là lần đầu được đảm nhiệm vai trò chuyên môn của mình. Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi đối với nghề làm phim. Ký ức đẹp này cho đến bây giờ vẫn mãi gieo trong tôi những gì đẹp nhất trong suốt năm tháng hành nghề của mình.

Nhìn lại hành trình 30 năm trưởng thành của TFS vừa qua, từ khi hãng hãy còn là một xưởng phim Truyền hình nhỏ bé và hạn chế về quy mô cũng như phương thức sản xuất của nó. Đến nay TFS đã khẳng định được vị thế và tầm vóc của mình là một hãng phim giàu thành tích và truyền thống trong lĩnh vực hoạt động Điện ảnh- Truyền hình nước nhà.

TFS của chúng ta đã đoạt được hàng trăm những giải thưởng, bằng khen dành tặng cho các tác phẩm thuộc nhiều thể loại ký sự, phóng sự, phim tài liệu,  chương trình ca nhạc và phim truyện tại các kỳ liên hoan truyền hình, liên hoan phim danh giá trong nước cũng như quốc tế. Đó là những thành quả rất đáng ngưỡng mộ;  Nhưng trên hết, chính sự tin yêu và ngưỡng mộ mà hàng triệu công chúng xem đài đã dành tặng cho các tác phẩm của TFS suốt thời gian qua mới là vinh dự cao quý nhất dành tặng cho tập thể TFS trong suốt 30 năm xây dựng, trưởng thành.

Các tác phẩm nghệ thuật nức tiếng của TFS từ lâu đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng và giới mộ điệu. Có thể kể đến như: Chương trình tạp chí văn nghệ phát sóng mỗi tuần (số đầu tiên từ tháng 6/1999), liên tục trong 22 năm vẫn luôn được khán giả chào đón- Là một trong những chương trình có tuổi thọ phát sóng lâu nhất của HTV với 1186 số đã phát hành (và chưa có dấu hiệu dừng lại). Mảng phim tài liệu đề tài truyền thống từ lâu vốn đã vang danh, làm nên thương hiệu của TFS (với 2280 tập phim đã sản xuất) và 1256 tập ký sự dài tập. Những tác phẩm chọn lọc này không chỉ thấm đẫm giá trị nhân văn về nội dung, tư tưởng mà còn mang đến cho công chúng thưởng thức những giá trị nghệ thuật. Có thể kể đến vài phim tiêu biểu như phim tài liệu " Giữa ngàn thác lũ", " "Những cánh hoa ngược dòng",  "Vượt lên số phận",  " Những người gác rừng".  Các ký sự như "Ký Sự Hỏa Xa", "Hành trình theo chân Bác",  "Ký sự Amazon", "Mê Kông ký sự". Đặc biệt tác phẩm "Mê Kông ký sự" không những đã tạo nên cơn sốt về số lượng thương bản phát hành ( hơn 30.000 bản video) mà còn giúp hình thành nên một phong cách sáng tác mới cho thể loại ký sự truyền hình.

" Mê Kông ký sự" nói là "Ký Sự" song thực chất tác phẩm là sự hỗn dung của hai thể loại ký sự và phim tài liệu; Trong đó vai trò của MC không chỉ là người kết nối, dẫn chuyện cho khán giả mà đã trở thành một nhân vật trong chính câu truyện kể. Sáng tạo thú vị này của các nhà làm phim TFS không những giúp tăng cường kể chuyện mà quan trọng hơn cách làm này mang đến đến sự trải nghiệm cho khán giả. Khi xem phim, khán giả sẽ có cùng cảm giác với người dẫn chuyện để được tham gia trực tiếp vào không gian bối cảnh và diễn biến của câu chuyện. Thực tế cách làm này là phương pháp sáng tác của "Phim Tài liệu tương tác"- Một khái niệm mới chỉ xuất hiện trong lý luận học thuật điện ảnh truyền hình những năm gần đây. Nên nhớ "Mê Kông ký sự" đã được thực hiện từ trước đó, năm 2004. Nói vậy để thấy được tư duy sáng tác vượt thời gian mà những nhà làm phim TFS ( Tổng đạo diễn NSND Phạm Khắc) đã mang đến cho thể loại ký sự truyền hình.

Có thể nói "Mê Kông ký sự" đã thổi một luồng gió lạ giúp khai mở một hình thức sáng tác mới cho thể loại ký sự. Sự thành công vượt cả hơn mong đợi của "Mê Kông ký sự" đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều những sáng tác sau này của TFS và HTV như "Ký Sự hỏa xa", "Ký sự Amazon". Có thể nói thành công của "Mê Kông ký sự" đã tạo nên một xu hướng làm phim ký sự rất được nhiều nhà đài trên cả nước hưởng ứng thời đó. Cho đến hôm nay, "Mê Kông ký sự" vẫn là một trong những siêu phẩm quan trọng, được nhắc đến nhiều nhất của HTV và TFS.

   Ấn tượng nhất với tôi đó là mảng sản xuất phim truyện của TFS (nơi tôi đang gắn bó, thuộc về). Từ năm 1994 TFS đã khởi quay tác phẩm " Như một huyền thoại". Đây là một bộ phim truyện ban đầu của TFS nhưng không phải là đầu tiên của HTV. Bởi như chúng ta còn nhớ, từ năm 1976 khi Sài Gòn giải phóng chưa lâu thì HTV đã hết sức nhạy bén và nỗ lực để sản xuất bộ phim truyện "Cô Nhíp". Cho đến nay kỳ tích này vẫn được ghi nhận HTV là đài truyền hình đầu tiên trên cả nước thực hiện bộ phim truyện đầu tiên. Như vậy, "Như một huyền thoại" tuy không phải là sự khởi đầu nhưng lại là sự tiếp nối cho một quá trình sản xuất phim truyện vốn bị gián đoạn trước đây của HTV. Nói thế để thấy được hết ý nghĩa lịch sử của việc khôi phục lại sản xuất phim truyện của TFS với tư cách là một thành tố đã góp phần vào sự phát triển chung của HTV.

Thực tế cho đến hôm nay, điều này vẫn còn nguyên giá trị. Trong số 67 đài truyền hình hiện đang hoạt động tại Việt Nam thì HTV (với TFS là đơn vị sản xuất trực tiếp) là một trong hai đài truyền hình hiếm hoi hiện sở hữu năng lực sản xuất phim truyện truyền hình (Đơn vị còn lại là VTV với Trung tâm sản xuất phim Truyền hình). Nói cách khác thì, chính năng lực sản xuất phim truyện đã tạo nên sự khác biệt của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh với các đài bạn.

   Giống như tựa đề của một trong những bộ phim của hãng thuở ban đầu: "Giữa dòng", con thuyền TFS cũng không khỏi ngổn ngang lúc phôi thai hình thành. Đó là những va chạm tất yếu giữa những ý định hoài bão, những kỳ vọng đổi thay trong nếp nghĩ cách làm; Giữa định hướng phát triển và nhu cầu của nghệ thuật; Giữa chất lượng tác phẩm với thị hiếu của khán giả. Dẫu biết rằng đó là những phản biện cần thiết cho bất cứ sự phát triển nào song khi nhắc lại cũng không khỏi băn khoăng. Ba mươi năm trôi qua, có chứng kiến được những thành quả hôm nay của con thuyền TFS chúng ta mới thấy hết được những tâm huyết, tài năng và cả sự dũng cảm của những con người lèo lái nó.

Tôi nhớ rõ thời kỳ đầu khi TFS của chúng ta vừa mới sản xuất phim truyện thì "Hiện tượng giữa dòng" một lần nữa ra lại linh ứng một cách lạ kỳ. Thời điểm đó, khi nhắc đến công việc sản xuất phim truyện thì cụm từ "Thiếu đồng bộ" thường được nhắc đến nhiều nhất, như một cách hiểu cho những thách thức mà loại hình này đã tạo ra. Tuy nhiên sự "thiếu đồng bộ" ở đây không chỉ giới hạn trong phạm vi kỹ thuật mà nó còn được hiểu trong lĩnh vực sáng tác. Lúc đó đó chúng ta chưa hội đủ đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp để có thể chế tác kịch bản theo đúng format của phim truyền hình nên phim truyện khi đó chủ yếu là phim lẻ (không phải phim bộ nhiều tập). Các đạo diễn thì được đào tạo từ nhiều nguồn chủ yếu là từ chuyên ngành điện ảnh nên dễ hiểu cách dàn dựng lúc đó tiếng là phim truyền hình song thực chất vẫn là cách làm của điện ảnh: Nặng về khai thác hình ảnh, tình huống hơn là khai thác sự kiện. Chú trọng phô diễn những đại cảnh hoành tráng mà bỏ qua kết cấu 3/4 của "màn ảnh nhỏ" truyền hình ; Thu hình quay phim chủ yếu sử lý ngoại cảnh hơn là nội cảnh. Tuy nhiên đó là cách làm phim của TFS trước đây, đã lui vào dĩ vãng.

Cái hay của TFS (phải nói là truyền thống thì đúng hơn) theo tôi chính là việc chúng ta đã thích ứng rất nhanh với hoàn cảnh để phát triển. Tôi còn nhớ năm 2004, lúc ấy chúng ta chưa hề có phim trường (hiện tại cũng chưa khá hơn), vậy mà chúng ta cũng đã ứng biến một cách sáng tạo và thành công: Biến một khu vực nhà kho tồi tàn của một nhà xưởng ở Củ Chi thành phim trường hoành tráng cho bộ phim "Lẵng hoa tình yêu"- Một phát kiến có phần phi thực nhưng hết sức đáng yêu.

Tôi còn nhớ ngày 6 tháng 9 năm 2004, TFS với sự chấp thuận của HTV đã hợp tác tác với đối tác FNC của Hàn Quốc để thực hiện bộ phim hài sitcom "Lẵng Hoa Tình Yêu". Đây là bộ phim áp dụng hình thức thu hình nhiều máy quay cùng lúc với kỹ thuật thu âm đồng bộ tại phim trường. Có thể nói " Lẵng hoa tình yêu" đã ghi dấu sự thích ứng một cách chuyên nghiệp của đội ngũ TFS đối với một thể loại truyền hình mới và TFS vinh dự là đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng công nghệ làm phim mới này- Một thành quả không gì có thể ngọt ngào hơn.

Thế là TFS của tôi đã tròn 30 tuổi. Lại một mùa thu nữa qua đi. Mới đó đã thấm thoát 3 thập kỷ. TFS đến nay đã trải qua 4 thế hệ lãnh đạo cao nhất. Lần lượt là AHLĐ- NSND Phạm Khắc (1991-1996)- người đặt nền móng đầu tiên cho TFS. Tiếp đó là nhà biên kịch Nguyễn Hồ (1996-2003), NSƯT Nguyễn Việt Hùng (2004-2012) và bây giờ là  NSƯT Lý Quang Trung (2012- nay). Những người Thầy, người anh đáng kính này- bằng tầm nhìn, tâm huyết và nghị lực của mình đã góp phần dựng xây nên một TFS tự hào hôm nay.

Cuối năm 2021 này,  TFS sẽ lại chia tay thế hệ lãnh đạo thứ tư, về nghỉ hưu theo chế độ. Sự "ra đi" của họ sẽ để lại một khoảng trống mà TFS sẽ không thể một sớm một chiều có thể lấp đầy, thay thế.

Sẽ thật buồn, thật tiếc. Bởi thời gian không chờ đợi ai bao giờ. Mong rằng các bạn lớp kế cận sẽ sớm gánh vác được nhiệm vụ nặng nề những vinh quang mà các cô, các chú thế hệ đi trước đã truyền lại.

   Cách nay đúng một tuần, tôi được Anh Việt Phước phó giám đốc TFS giao cho nhiệm vụ tham gia hỗ trợ nhóm bạn trẻ của TFS thực hiện phần ghi hình cho chương trình    "TFS tuổi 30". Nhìn các bạn Nguyệt Hương, Minh Quân và cạnh đó là Minh Khang- những bạn trẻ thuộc thế hệ con cháu của TFS đang hăng say làm việc, mà thật vui. Nhìn các bạn trẻ tôi bỗng thấy lại hình ảnh của chúng tôi ngày nào, khi mới bước vào ngôi nhà TFS. Lúc đó lũ chúng tôi cũng đầy nhiệt huyết, chân thành và tràn đầy hoài bão như các bạn trẻ hôm nay. Ngày đó xa rồi, mới đó mà đã 30 năm...

      30 năm rồi TFS.

               Chiều muộn, ngày 17/10/21

                                    Vi Nghi

TB: Bài viết thể hiện cảm quan cá nhân của tác giả, có những điều nhớ nhớ quên quên.